Hội chứng ống cổ tay ngày càng phổ biến trong cộng đồng. Hội chứng này có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, công việc của bạn. Việc được phát hiện sớm và điều trị kịp thời là rất quan trọng. Vậy nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa của hội chứng ống cổ tay là gì? Ai dễ bị hội chứng ống cổ tay? Hãy cùng tìm hiểu với BÁC SĨ XƯƠNG KHỚP trong bài viết này nhé!
1. Định nghĩa hội chứng ống cổ tay:
Hội chứng ống cổ tay là tình trạng đau, tê bì, hoặc yếu nhiều ngón tay và bàn tay. Nguyên nhân do dây thần kinh giữa bị chèn ép ở ống cổ tay. Dây thần kinh giữa là một trong những dây thần kinh chính ở bàn tay. Nó chi phối cảm giác cho ngón cái và ba ngón tiếp theo ở mặt gan tay. Nó cũng chịu trách nhiệm cho các cử động của ngón cái.
Hãy cùng tưởng tượng nhé! Dây thần kinh giữa chạy từ cẳng tay xuống đến bàn tay qua ống cổ tay. Ống này được bao quanh bởi các xương cổ tay ở phía sau và một dây chằng ở phía trước. Ống cổ tay rộng khoảng 2,5 cm. Mặt khác, trong đó có chứa dây thần kinh giữa, các mạch máu, các gân gấp ngón tay. Vì vậy, đây thực sự là một lối đi khá chật hẹp.
Khi bị chèn ép, dây thần kinh giữa bị hạn chế chức năng, biểu hiện ra các triệu chứng của hội chứng ống cổ tay.
2. Nguyên nhân của hội chứng ống cổ tay là gì?
Bất cứ nguyên nhân nào chèn ép lên thần kinh giữa trong ống cổ tay đều có thể gây nên hội chứng ống cổ tay. Trong nhiều trường hợp, không có một nguyên nhân đơn độc nào được xác nhận. Đa số là do sự kết hợp nhiều yếu tố gây ra.
Các nguyên nhân của hội chứng ống cổ tay có thể là:
- Những chuyển động lặp đi lặp lại ở cổ tay: như gõ bàn phím. Điều này đặc biệt đúng khi vị trí bàn tay thấp hơn cổ tay của bạn.
- Vị trí tay và cổ tay: thực hiện các hoạt động cần phải uốn cong, gập duỗi quá mức bàn tay, cổ tay trong thời gian dài.
- Di truyền: đây có vẻ là một yếu tố quan trọng. Ở một số người, ống cổ tay có thể nhỏ hơn hoặc có nhiều sự khác biệt trong cấu trúc. Điều này dẫn đến hẹp không gian cho dây thần kinh đi qua.
- Một số bệnh lý: cường giáp, béo phì, đái tháo đường, viêm khớp dạng thấp có liên quan đến hội chứng ống cổ tay.
- Thai kỳ: việc thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ có thể làm sưng, viêm các thành phần trong ống cổ tay.
- Sau một số tổn thương cổ tay: như viêm dây chằng, viêm gân, thậm chí trật khớp, gãy xương. Do chúng làm thay đổi không gian trong ống cổ tay, tăng áp lực lên thần kinh giữa.
3. Triệu chứng của hội chứng ống cổ tay là gì?
Các triệu chứng của hội chứng ống cổ tay bao gồm:
- Đau, tê bì, cảm giác châm chích, kiến bò ở lòng bàn tay, ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và một phần ngón áp út. Lưu ý, ngón út không bị. Đôi khi, những cảm giác này có thể lan lên cổ tay, cẳng tay, hiếm khi qua khuỷu lên đến vai.
Triệu chứng có ở lòng bàn tay, ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa,
một phần ngón áp út
- Tay yếu, vụng về, chuột rút. Điều này gây khó khăn trong sinh hoạt, công việc hàng ngày. Các triệu chứng nặng nề khi bạn làm gì đó liên quan đến việc gấp duỗi cổ tay hoặc nâng cánh tay. Có thể kể đến như đánh máy, nắm điện thoại, nắm vô lăng, chơi gôn…Đặc biệt, việc dùng ngón cái của bạn để cấu, véo hạn chế rõ rệt.
- Làm rơi đồ vật do cơ ngày càng yếu hoặc giảm nhận thức về vị trí của tay trong không gian.
Một số triệu chứng xuất hiện dần dần mà không có một chấn thương cụ thể nào xảy ra trước đó. Thông thường, chúng sẽ nặng nề hơn vào ban đêm. Khi có bất cứ triệu chứng nào như trên, hãy tới gặp bác sĩ của bạn. Việc điều trị chậm trễ có thể làm mất chức năng bàn tay trầm trọng.
4. Ai dễ bị hội chứng ống cổ tay?
Hầu hết bạn đều nhận ra các biểu hiện của hội chứng ống cổ tay trong sinh hoạt hàng ngày. Đó là những động tác lặp đi lặp lại cổ tay trong một thời gian dài. Những nghề nghiệp có thể liên quan như:
- Thư kí, đánh máy
- Tài xế
- Thu ngân
- Nhạc công
- Thợ cắt tóc
- Thợ may
- Thợ làm bánh
- Công nhân dây chuyền lắp ráp
- Chơi một số môn thể thao như quần vợt, cầu lông, bóng bàn…
Tuy nhiên, các bằng chứng khoa học cho các yếu tố này chưa rõ ràng. Còn nhiều mâu thuẫn về việc những yếu tố này là nguy cơ hay nguyên nhân trực tiếp của hội chứng ống cổ tay.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, phụ nữ và người già tăng nguy cơ bị hội chứng này nhiều hơn các đối tượng khác.
5. Các phương pháp điều trị hội chứng ống cổ tay hiện nay
Điều trị hội chứng ống cổ tay phải được tiến hành ngay khi có chẩn đoán. Điều trị giai đoạn đầu có thể làm chậm hoặc ngưng sự tiến triến của bệnh. Hãy dành thời gian nghỉ ngơi để tay của bạn được thư giãn. Tránh những hoạt động làm nặng thêm các triệu chứng.
Các biện pháp điều trị hiện nay gồm: dùng nẹp, thuốc, phẫu thuật, vật lí trị liệu, thay đổi thói quen. Nếu được điều trị sớm, các triệu chứng bệnh thuyên giảm mà không cần phẫu thuật. Nếu các triệu chứng mức độ nhẹ, bác sĩ sẽ khuyến cáo điều trị không phẫu thuật trước.
5.1. Nẹp
Mang nẹp giúp ổn định tư thế cho cổ tay
Mang nẹp ban đêm sẽ giữ cổ tay bạn thẳng trong khi ngủ. Đồng thời kết hợp mang nẹp khi hoạt động cũng giúp kiểm soát tốt tư thế cổ tay. Việc này giảm áp lực đép lên thần kinh giữa trong ống cố tay.
5.2. Thay đổi thói quen
Các triệu chứng thường xảy ra khi cổ tay bạn ở một vị trí trong thời gian dài. Đặc biệt khi cổ tay bạn gấp hoặc duỗi. Nếu công việc của bạn liên quan đến những triệu chứng bệnh, hãy cố gắng để cổ tay được thư giãn nhiều hơn. Điều này có vẻ đơn giản nhưng lại có hiệu quả lớn trong nhiều trường hợp.
5.3 9 bài tập vật lí trị liệu điều trị hội chứng ống cổ tay hiệu quả tại nhà
Trong khi sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh cần kết hợp thực hiện các bài tập hội chứng ống cổ tay để cải thiện các triệu chứng và phòng ngừa hội chứng. Sau đây là 9 bài tập đơn giản và có thể thực hiện ở mọi lúc mọi nơi.
Người bệnh có thể thực hiện một số bài tập để hỗ trợ điều trị hội chứng ống cổ tay
1. Lắc cổ tay
Bài tập lắc cổ tay là động tác rất dễ thực hiện và không gây ra bất cứ khó khăn nào. Bài tập đặc biệt hữu dụng vào ban đêm khi mà các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn.
Để thực hiện bài tập, người bệnh chỉ cần lắc cổ tay giống như đang làm khô nước sau khi rửa tay. Điều này có thể giữ cơ bắp cho cổ tay, bàn tay và giúp các dây thần kinh không bị co thắt, căng cứng.
Thực hiện động tác bất cứ khi nào cảm thấy cần thiết. Hoặc nếu bạn thức dậy vào ban đêm vì đau nhức, hãy dành một vài phút để lắc cổ tay.
2. Bài tập “nhện hít đất”
Bài tập điều trị hội chứng ống cổ tay này có thể kéo giãn các dây chằng, gân và cơ bắp ở cổ tay. Để thực hiện động tác này, người bệnh làm như sau:
Bài tập có tác dụng giúp các dây chằng thư giãn |
- Bắt đầu bằng tư thế cầu nguyện, tức là ép hai lòng bàn tay vào nhau. Tuy nhiên, hãy hướng các đầu ngón tay xuống đất.
- Kéo căng các ngón tay hết mức có thể. Sau đó thực hiện tách gan bàn tay ra xa nhau bằng cách chuyển các ngón tay, tuy nhiên không để cho các đầu ngón tay tách ra.
- Thực hiện trong 1 – 3 phút vào bất cứ lúc nào cảm thấy cần thiết.
3. Bài tập hỗ trợ bàn tay
Thực hiện một số chuyển động ở bàn tay có thể tác động lên hệ thống dây chằng, gân, cơ và thần kinh ở cổ tay. Từ đó mang lại hiệu quả điều trị và ngăn ngừa hội chứng ống cổ tay. Các bài tập cơ bản như sau:
+ Bài tập nắm tay:
- Nắm tay thành nắm đấm.
- Trượt ra một ngón tay cho đến khi ngón tay chỉ thẳng lên trần nhà. Điều này trông giống như đang chỉ vào ai đó hoặc vật gì đó.
- Thực hiện lần lượt với tất cả các ngón tay.
- Lặp lại động tác khoảng 5 – 10 lần.
+ Bài tập căng bàn tay:
- Nắm tay thành nắm đấm.
- Mở rộng bàn tay ra hết mức có thể.
- Thực hiện ở cả hai tay. Lặp lại 5 – 10 lần ở mỗi bàn tay.
+ Bài tập chạm ngón cái:
- Xòe rộng bàn tay ra sau đó lần lượt chạm ngón cái với tất cả các ngón tay còn lại để tạo thành một chữ O.
- Thực hiện ở cả hai tay. Lặp lại vài lần và bất cứ khi nào cảm thấy cần thiết.
4. Bài tập kéo giãn cổ tay cơ bản
Kéo giãn cơ ở tay có thể tăng tính linh hoạt của cơ bắp và giảm áp lực lên dây chằng, gân và hệ thống thần kinh ở cổ tay. Thực hiện kéo giãn cổ tay như sau:
Bài tập giúp giảm áp lực lên dây chằng và cổ tay |
- Đưa tay thẳng ra phía trước sao cho cánh tay song song với mặt đất, lòng bàn tay hướng lên trên.
- Kéo cổ tay về phía sau để các ngón tay hướng lên trần nhà. Giữ yên trong 5 giây.
- Quay trở lại vị trí ban đầu.
- Căng các ngón tay, bàn tay hướng xuống sàn nhà. Giữ yên trong 5 giây.
- Thực hiện ở cả hai tay. Lặp lại trong 10 lần và khoảng 3 – 4 lần mỗi ngày.
5. Bài tập giúp cổ tay linh hoạt
Bài tập có thể tăng phạm vị chuyển động của cổ tay. Các động tác cũng làm cho khớp cổ tay mạnh mẽ và hỗ trợ giảm đau, cứng khớp. Thực hiện bài tập như sau:
Bài tập có thể tăng phạm vị hoạt động của tay và hạn chế tình trạng cứng khớp |
- Đưa cánh tay ra trước mặt sao cho cổ tay và bàn tay thẳng, lòng bàn tay hướng xuống sàn nhà.
- Cúi cổ tay xuống sàn nhà. Dùng tay còn lại để tăng độ căng của cổ tay bằng cách kéo các ngón tay về phía cơ thể. Giữ yên trong 15 – 30 giây.
- Quay trở lại vị trí ban đầu.
- Hướng cổ tay lên sao cho các ngón tay hướng lên trần nhà. Sử dụng tay còn lại để kéo các ngón tay ra phía sau. Giữ yên trong 15 – 30 giây.
- Thực hiện động tác ở cả hai tay. Lặp lại khoảng 10 lần ở mỗi tay và 3 – 4 lần mỗi ngày.
6. Bài tập giãn gân cổ tay
Trong bài tập điều trị hội chứng ống cổ tay này, người bệnh cần duy chuyển các ngón tay và bàn tay của mình đến các vị trí khác nhau. Điều này có thể tăng tính linh hoạt tổng thể của cả bàn tay, cổ tay và các ngón tay. Bên cạnh đó, động tác cũng được cho là hạn chế tình trạng nhức mỏi, căng cứng cơ và viêm khớp.
Thực hiện bài tập để hỗ trợ làm giãn gân, dây chằng |
Thực hiện động tác như sau:
- Bắt đầu với việc dựng đứng khủyu tay, cổ tay thẳng, các ngón tay hướng lên trần nhà. Các ngón tay thư giãn.
- Uốn cong các khớp giữa ngón tay và chạm các đầu ngón tay lại với nhau.
- Cuộn tròn các ngón tay lại thành nắm đấm. Điều này có nghĩa là các đốt ngón tay bị uốn cong và chạm vào lòng bàn tay.
- Hướng các ngón tay về phía trước sao cho các ngón tay và lòng bàn tay vuông góc với nhau.
- Cuối cùng là nắm bàn tay lại thành nắm đấm để kết thúc quá trình luyện tập.
- Lặp lại động tác ở hai tay và 10 lần cho mỗi bên. Thực hiện 3 – 4 lần mỗi ngày.
7. Bài tập co giãn dây thần kinh
Tương tư như bài tập giãn gân cổ tay, người cần di chuyển bàn tay với nhiều vị trí khác nhau. Tuy nhiên, ở động tác này người bệnh cần thực hiện chậm rãi và đều đặn để tác động đến các dây thần kinh.
Thực hiện bài tập để giúp các dây thần kinh thư giãn |
Thực hiện bài tập như sau:
- Cong khuỷu tay, các ngón tay hướng lên trần nhà, cổ tay thả lỏng. Các ngón tay chạm vào nhau (bao gồm cả ngón cái) và thả lỏng tay.
- Cúi cổ tay hướng về phía trước, các ngón tay vẫn chạm vào nhau.
- Mở rộng ngón cái ra để cùng các ngón tay còn lại tạo thành chữ L.
- Sử dụng tay còn lại để kéo ngón tay xuống sàn nhà một chút trong vài giây.
- Lặp lại động tác ở cả hai tay, 3 – 5 lần ở mỗi tay và 2 – 3 lần mỗi ngày.
8. Bài tập tăng cường sức mạnh cổ tay
Bài tập này có thể tăng cường sức mạnh ở cổ tay và tăng khả năng cầm nắm đồ vật cho các khớp ngón tay. Bài tập này phù hợp cho người vừa mổ hội chứng ống cổ tay thực hiện để phục hồi các chức năng. Ngoài ra, bài tập này cũng có thể hỗ trợ làm giảm căng thẳng rất tốt.
+ Bài tập sức mạnh cổ tay:
- Người bệnh ngồi xuống bàn, đặt cẳng tay, cổ tay và lòng bàn tay xuống bàn, lòng bàn tay úp xuống.
- Đặt bàn tay còn lại lên các khớp ngón tay tay ở góc 90 độ. Lúc này hai tay của bạn sẽ tạo ra một dấu cộng.
- Dùng sức để nâng tay bên dưới lên. Tuy nhiên bàn tay ở trên ép xuống ngăn cho tay rời khỏi mặt bàn. Lúc này người bệnh có thể cảm thấy căng thẳng và áp lực ở cả hai cổ tay. Ngoài ra, cơ bắp ở cánh tay, bắp tay cũng có thể bị tác động.
- Thực hiện động tác ở cả hai tay, mỗi lần 1 – 2 phút. Lặp lại vài lần trong ngày.
+ Bài tập uốn cổ tay:
- Gấp khuỷu tay lại sao cho cánh tay, ngón tay hướng lên trần nhà, cổ tay thẳng và cánh tay song song với sàn nhà.
- Nắm một vật có trọng lượng khoảng 400 – 500 gram trong tay. Sau đó cong cổ tay cùng với đồ vật hướng xuống mặt đất. Giữ yên trong 3 – 5 giây.
- Quay lại vị trí ban đầu.
- Thực hiện động tác 10 lần ở mỗi tay và 2 – 3 lần trong ngày.
+ Bài tập bóp bóng:
- Người bệnh cầm một quả bóng da hoặc bóng cao su mềm.
- Dùng sức ở bóp quả bóng lại và giữ yên trong 5 giây.
- Lặp lại 10 lần ở mỗi tay và thực hiện 3 – 4 lần mỗi ngày.
Bài tập bóp bóng có thể tăng sức mạnh ở cổ tay và các ngón tay |
9. Bài tập giãn cánh tay
Bài tập này có thể kéo căng các dây thần kinh ở cánh tay và giúp dây chằng, gân ở cổ tay thư giãn. Ngoài ra, thực hiện động tác thường xuyên, đều đặn có thể mang lại cho bạn một cánh tay săn chắc, thon gọn.
Thực hiện động tác để giúp các dây thần kinh ở cổ tay thư giãn |
Thực hiện bài tập như sau:
- Đưa cánh tay thẳng ra trước mặt, khuỷu tay thẳng, cổ tay mở rộng và các lòng bàn tay hướng xuống.
- Sử dụng tay còn lại để ấn cổ tay xuống, tuy nhiên không được duy chuyển cánh tay. Ép cổ tay và các ngón tay hướng vào cơ thể. Giữ yên trong khoảng 20 giây.
- Lặp lại ở tay còn lại và thực hiện 3 – 4 lần mỗi tay.
Cố gắng thực hiện các bài tập cho hội chứng ống cổ tay đều đặn, thường xuyên. Sau vài tuần, người bệnh có thể nhận thấy sự cải thiện đáng kể về tính linh hoạt của cổ tay.
BÁC SĨ XƯƠNG KHỚP chúc quý vị và bệnh nhân mau chóng chữa dứt hội chứng ống cổ tay và có đôi tay thật khoẻ mạnh!
Liên hệ hotline: 0862.199.787 để được tư vấn từ các bác sĩ chuyên ngành xương khớp!!!
0 Reviews:
Post Your Review